Bước chân an lạc

Ozen | 30/03/2019

Tạp chí Time đã có bài viết về Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người dạy cả thế giới về chánh niệm và hạnh phúc.

Tại một ngôi chùa ở ngoại ô Cố đô Huế, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đến để lặng lẽ chờ đợi “giây phút chuyển đổi của mình”, như lời của đệ tử của ông. Từng được Tổng thống Mỹ trích dẫn và được MC nổi tiếng Oprah Winfrey ca ngợi như “một trong những lãnh đạo tinh thần có ảnh hưởng nhất trong thời đại của chúng ta”, vị sư 92 tuổi nổi tiếng đã từ chối loại thuốc được kê đơn cho ông sau cơn đột quỵ năm 2014. Ông nằm trong một ngôi nhà trong khuôn viên chùa Từ Hiếu, ngôi chùa có từ thế kỷ XIX, để an dưỡng cho đến cuối đời.

Những người mộ đạo chụp hình trước cổng. Một số đã bay từ châu Âu đến chỉ để nhìn Thầy thoáng qua. Họ sử dụng từ tiếng Việt là “Thầy” để nói về thiền sư. Kể từ khi trở về vào ngày 28.10.2018, ông đã vài lần xuất hiện trên chiếc xe lăn, được hàng trăm người hành hương chào đón. Vào một buổi chiều ẩm ướt vào tháng 12.2018, những tấm rèm được kéo ra để phóng viên của TIME có thể quan sát nhà sư đang được vài nhà ngoại giao Mỹ đến thăm.

Buoc chan an lac
 

Trong phòng ông chỉ có những đồ đạc cơ bản. Có tên khai sinh là Nguyễn Xuân Bảo, nhà sư rời khỏi Việt Nam vào những năm 1960. Sau 40 năm, giờ đây ông trở về ngôi chùa nơi ông đã xuất gia vào năm 16 tuổi. Ngay đầu giường là bức thư pháp do chính tay ông viết chữ “trở về” được đóng khung.

Ở phương Tây, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đôi khi được gọi là người thầy của chánh niệm. Ông nổi tiếng khi dạy rằng tất cả chúng ta đều có thể là Bồ Tát bằng cách tìm thấy hạnh phúc trong những điều đơn giản, như chánh niệm khi lột vỏ một trái cam hoặc nhấm nháp một ly trà. “Một vị Phật là một người đã giác ngộ, có khả năng yêu thương và tha thứ,” ông viết trong cuốn sách Your True Home (Ngôi nhà thật sự của bạn), 1 trong hơn 70 cuốn sách ông đã viết. “Ta biết đôi khi ta đã như vậy. Vì vậy, hãy tận hưởng việc là một vị Phật”.

Ảnh hưởng của ông lan rộng trên toàn cầu. Năm 2016, Christiana Figueres, cựu Thư ký điều hành của Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu, cho biết bà không thể rút khỏi Thỏa thuận Paris “nếu không phải vì tôi nghe theo lời giảng dạy của thiền sư Thích Nhất Hạnh”. Chủ tịch World Bank Jim Yong Kim nói cuốn sách ông yêu thích là Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức của Thích Nhất Hạnh.

Việc nhà sư trở về Việt Nam cho đến ngày viên tịch có thể được coi là một thông điệp gửi đến các đệ tử của mình. “Dự định của Thầy là để dạy (ý nghĩa của) nguồn cội và cho học viên của Thầy học được việc họ có nguồn gốc từ Việt Nam”, Thích Chân Pháp An, người đứng đầu Học viện Phật giáo Ứng dụng châu Âu của Thích Nhất Hạnh, nói. “Đó là một quyết định rất quan trọng về mặt tinh thần”.

Sau khi giảng dạy Phật giáo tại các trường Đại học Columbia và Princeton từ năm 1961-1963, ông trở về Việt Nam để trở thành một nhà hoạt động chống chiến tranh. Năm 1966, khi chiến tranh leo thang, ông rời Việt Nam đi lưu giảng qua 19 quốc gia nhằm kêu gọi hòa bình. Ông cũng từng nói chuyện với các Nghị viện Anh, Canada và Thụy Điển và gặp Giáo hoàng Paul VI...

Ở nước ngoài, danh tiếng của ông ngày càng lan rộng. Dân hippy phổ nhạc cho những bài thơ chống chiến tranh của ông. Năm 1967, ông được Martin Luther King Jr. đề cử giải Nobel Hòa bình và năm 1969, ông dẫn đầu một phái đoàn Phật giáo đến các cuộc đàm phán hòa bình ở Paris.

Buoc chan an lac
 

Cuối cùng, ông sống ở Tây Nam nước Pháp, nơi ông đã thiết lập tu viện Phật giáo Làng Mai lớn nhất châu Âu và thành lập 8 chi nhánh khác từ Mississippi (Mỹ) đến Thái Lan. Ông giám sát việc dịch các cuốn sách của mình sang hơn 30 ngôn ngữ. Khi sự quan tâm của phương Tây đối với Phật giáo đã trải qua một cuộc phục hưng vào đầu thế kỷ, Thích Nhất Hạnh trở thành một trong những người có ảnh hưởng nhất.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh dạy rằng bạn không phải dành nhiều năm tu tập trên núi để hưởng lợi từ trí tuệ Phật giáo. Thay vào đó, ông nói, chỉ cần nhận thức được hơi thở của bạn và thông qua đó đến thời điểm hiện tại, nơi các hoạt động hằng ngày có thể mang lại một chất lượng vui vẻ và kỳ diệu. Nếu bạn có chánh niệm, hoặc hiện diện đầy đủ ở đây và bây giờ, sự lo lắng sẽ biến mất và cảm giác vượt thời gian được giữ vững, cho phép những phẩm chất cao nhất của bạn xuất hiện, như lòng tốt và lòng trắc ẩn...

Điều này rất hấp dẫn đối với người phương Tây tìm kiếm tâm linh. Những nhân viên công sở cạn kiệt năng lượng và những người muốn giải thoát mình khỏi các chứng nghiện ngập của xã hội công nghiệp đã đổ xô đến những nơi ẩn dật ở vùng quê nước Pháp để lắng nghe Thích Nhất Hạnh. Cả một phong trào chánh niệm mọc lên sau sự xuất hiện của ông.

Ngày nay, chánh niệm mà thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nỗ lực tuyên truyền là một ngành công nghiệp trị giá 1,1 tỉ USD ở Mỹ, với doanh thu từ 2.450 trung tâm thiền định và hàng ngàn cuốn sách, ứng dụng và khóa học trực tuyến. Một khảo sát cho thấy 35% người sử dụng lao động đã kết hợp chánh niệm vào nơi làm việc.

“Thầy Thích Nhất Hạnh mang đến một phiên bản Phật pháp đơn giản, nhưng tôi sẽ không nói rằng nó quá đơn giản”, Janet Gyatso, Giáo sư Phật học Hershey tại Đại học Harvard, giải thích. “Triết lý cơ bản của Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng giống như triết lý của Ngài Đạt Lai Lạt Ma. Đó là chánh niệm và từ bi”, bà nói.

(Theo TIME)