Ăn vui sống khỏe

Anil Chandwani (*) | 14/04/2014

Người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm, đến tác động của thực phẩm hữu cơ, hay thực phẩm biến đổi gen. Điều đáng nói là họ quan tâm nhiều đến nguồn gốc thực phẩm, cách chúng được trồng, được chế biến và cả ai là người chế biến, nhưng lại ít khi để ý đến cách ăn uống. Liệu có ai thử đặt câu hỏi nếu nguồn gốc thực phẩm có tác động nhất định lên cơ thể và tinh thần của chúng ta thì cách chúng ta tiêu thụ thực phẩm sẽ ảnh hưởng như thế nào.

Hãy thử tận hưởng một bữa ăn hữu cơ với chế độ dinh dưỡng hợp lý do một đầu bếp nhà hàng nổi tiếng thực hiện và chỉ cần thêm “gia vị” là một chút nóng giận, ghen tuông hoặc buồn bã, thì chất lượng bữa ăn hôm đó sẽ thay đổi rất nhiều. Tại sao lại như vậy? Dù muốn hay không, cảm xúc của chúng ta khi ăn ảnh hưởng nhất định đến chất lượng bữa ăn vì cảm xúc có mối liên hệ sinh hóa với hệ thần kinh, nội tiết, miễn dịch và hệ tiêu hóa của chúng ta.

Các nhà khoa học đã tìm hiểu và dần đi đến kết luận rằng mối liên hệ sinh lý giữa cơ thể với trí óc cũng quan trọng. Nếu buồn bã hoặc lo lắng khiến cho các chất như cortisol, một loại hóc-môn gây căng thẳng, trong cơ thể chúng ta tăng lên thì liệu việc chúng ta ăn trong trạng trái buồn rầu và lo lắng đó có thề tác động lên cơ thể và tinh thần của chúng ta? Câu trả lời là hoàn toàn có thể.

Vậy nếu việc uống thuốc hoặc sử dụng các liệu pháp vật lý có thể giúp cải thiện sức khỏe người bệnh thì liệu việc ăn một cách vui sướng, đầy lòng cảm ơn có tạo ra tác động tương tự lên cơ thể và sức khỏe chúng ta? Câu trả lời vẫn là hoàn toàn có thể. Có lẽ đến một ngày nào đó, chúng ta sẽ có đủ bằng chứng khoa học để chứng minh cho điều này.

Nhưng tại sao chúng ta phải chờ cho đến khi mọi việc đã quá trễ, nhất là khi chỉ cần ăn một cách có ý thức là đã có thể giúp chúng ta cải thiện sức khỏe. Vì thế, lần tới, hãy ngồi xuống, dành chút thời gian để suy ngẫm vấn đề này bằng phương pháp thiền Osho và thay đổi trạng thái tình cảm của mình trước khi thưởng thức bữa ăn.

“Ở góc độ cơ thể, thực phẩm tốt là thực phẩm có lợi cho sức khỏe, không kích thích, không tạo những cảm xúc dữ dội. Ở góc độ tâm lý, trí óc con người phải trong tình trạng hạnh phúc. Và ở góc độ tâm hồn, phải có cảm giác biết ơn. Khi đạt được cả 3 điều này, sẽ làm cho thực phẩm chúng ta ăn trở thành thực phẩm tốt” (trích dẫn sách Hành trình Nội tại của Osho).

Ban đầu khi thực hành, chúng ta sẽ cảm thấy không dễ dàng chút nào, nhưng khi bắt đầu nếm trải được những tầng bậc khác nhau về hương vị trong thức ăn, thấy được sự sống động về màu sắc và cảm nhận được từng thớ thịt của chúng trong miệng, chúng ta sẽ không thể nào ăn theo cách trước đây.

Hãy thử làm ngay bây giờ và nhớ rằng những điều nhỏ bé lại có thể tạo ra thay đổi lớn.

Nguồn: Nhịp Cầu Đầu Tư

 

(*) Xuất thân là một doanh nhân, Anil Chandwani có hơn 20 năm thực hành, nghiên cứu và giảng dạy về Thiền. Ông là thành viên ban quản trị Trung tâm Thiền Quốc tế Osho, phụ trách các hoạt động truyền thông số của Osho, tổ chức các chương trình hội thảo, Thiền kết hợp nghỉ dưỡng và các khóa học về phát triển bản thân trên khắp thế giới. Ông sống ở Los Angleles (Mỹ) và tại Osho International Meditation Resort ở Pune (Ấn Độ).