Hãy lắng nghe cuộc sống với thiền

Khánh Đoan | 17/02/2014

Thiền đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của doanh nhân nên tạp chí kinh tế Times đã thực hiện một chuyên đề lớn về thiền.

Những trái nho khô trong bàn tay đẫm mồ hôi của Kate Pickert mỗi lúc mỗi nhớp nháp hơn. Nhìn chúng chẳng muốn ăn chút nào, nhưng theo lời hướng dẫn của cô giáo, cô bốc một trái lên và xem xét nó. Cô thấy vỏ trái nho sáng bóng một cách lấp lánh. Càng nhìn kỹ, cô thấy một vết lõm nhỏ, vốn là dấu cuống của trái nho khi còn ở trên cây. Rồi cô đặt trái nho khô vào miệng và dùng lưỡi đảo đi đảo lại, cảm nhận từng thớ thịt của nó. Sau một hồi, cô đưa trái nho vào giữa hai hàm răng, cắn và nhai một cách rất chậm rãi. “Tôi đang ăn một trái nho khô. Nhưng lần đầu tiên trong đời, tôi ăn một cách hoàn toàn khác. Đó là vì tôi làm một cách có suy nghĩ”, Kate nói.

Quá trình này nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng đó là một phần trong chương trình mà Kate đang theo học gọi là Mindfulness Based Stress Reduction (MBSR) (tạm dịch Giảm căng thẳng dựa trên sự tỉnh giác). MBSR được xem là một liệu pháp bổ sung giúp điều chỉnh tinh thần, cảm xúc và cải thiện sức khỏe. Đây là một kỷ thuật thiền nhằm phát triển chánh niệm, tức khả năng nhận biết điều gì đang xảy ra nơi thân thể hoặc tâm, qua đó có thể làm chủ được bản thân và điều hòa cảm xúc.

GIẢM ĐAU NHỜ THIỀN

Kỹ thuật thiền MBSR do Giáo sư Jon Kabat-Zinn khởi xướng cách đây 35 năm. Năm 1979, ông đã giành được học vị Tiến sĩ và đang làm việc tại Trung tâm Y học Đại học Massachusetts, nghiên cứu phát triển cơ bắp và giảng dạy kỹ thuật mổ xẻ và sinh học tế bào cho các sinh viên y khoa. Tại một buổi thiền năm đó, ông đã nảy ra một suy nghĩ: tại sao không ứng dụng thiền của đạo Phật để giúp bệnh nhân chống chọi với bệnh tật. Giáo sư Kabat-Zinn tin rằng thiền có thể giúp bệnh nhân điều khiển sự tập trung để họ có thể chống chọi với cơn đau kinh niên.

Với 3 bác sĩ, ông đã mở một phòng khám tại Trường Y UMass sử dụng liệu pháp thiền để giúp bệnh nhân giảm căng thẳng. Một số bệnh nhân của ông cho biết mức độ đau đã giảm xuống trong khi những người khác thì bảo vẫn đau như vậy nhưng thiền đã giúp họ đối diện tốt hơn với bệnh tật. “Đó là điều mà bạn mong muốn. Không phải thiền có thể chữa trị tất cả mọi căn bệnh nhưng bạn có thể giúp mọi người sống một cuộc sống có chất lượng ở một mức độ nào đó”, ông nói.

Chương trình của Kabat-Zinn đã được đưa vào khoa y của UMass và trở thành chương trình học MBSR mà đang được hàng trăm giáo viên trên khắp nước Mỹ sử dụng. Hiện tại, có gần 1.000 giáo viên hướng dẫn được cấp chứng chỉ MBSR dạy các kỹ thuật thiền chánh niệm. Họ có mặt tại gần như tất cả các bang của Mỹ và tại hơn 30 quốc gia trên thế giới.

Kể từ khi liệu pháp thiền MBSR được Kabat-Zinn khởi xướng, đã có nhiều cuộc nghiên cứu được thực hiện. Và các nhà khoa học đã chứng minh được rằng thiền có thể làm giảm lượng cortisol, một hóc-môn làm tăng mức độ căng thẳng trong cơ thể cũng như làm giảm huyết áp, làm tăng khả năng miễn dịch. Các nghiên cứu khoa học cũng chứng minh thiền có tác động lên cấu trúc của não, có thể kháng cự lại những gì xảy ra với não của chúng ta do bị căng thẳng, bị sốc về tinh thần và bị mất tập trung thường xuyên. Nghiên cứu này đã khiến cho liệu pháp MBSR và các liệu pháp thiền khác ngày càng được ưa chuộng bởi các cá nhân, doanh nghiệp và các tổ chức. Một báo cáo của Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) cho thấy người Mỹ đã dành ra khoảng 4 tỉ USD vào các liệu pháp thay thế có liên quan đến thiền trong năm 2007, trong đó MBSR.

THIỀN Ở CÁC DOANH NGHIỆP

Đối với chuyên gia tư vấn tài chính Stuart Silverman, thiền đã trở thành một cách để ông có thể xử lý khối lượng công việc suốt 24/7. Silverman nhận được hàng trăm email và cuộc gọi mỗi ngày. Căng thẳng trong ngành tài chính đã đạt đỉnh điểm vào năm 2008, thời điểm khủng hoảng nổ ra nhưng thậm chí khi khủng hoảng bắt đầu dịu lại, Silverman nhận thấy rằng mức độ căng thẳng vẫn cao. Vì thế, năm 2011, ông đã đưa một nhóm khách hàng của mình tham gia vào một buổi học thiền. Nhóm này đã không mang theo điện thoại và dành 4 ngày tại một resort ở Catskills (bang New York), để thiền và tham gia vào các buổi thảo luận nhóm, thực hành yoga và ăn các bữa ăn một cách im lặng và tập trung. “Đối với mỗi người ở đây, đó là một trải nghiệm làm thay đổi cuộc đời”, Silverman nói.

Chương trình Catskills là do Janice Martuaro, từng là một phó chủ tịch tại General Mills, điều hành. Khi còn làm ở General Mills, bà đã khởi xướng một chương trình thiền tại đây nhưng sau đó, vào năm 2011, bà đã rời công ty để điều hành một tổ chức do bà thành lập gọi là Viện Lãnh đạo Thiền Chánh niệm. Khoảng 500 nhân viên của General Mills đã tham gia vào các lớp học thiền kể từ khi Marturano giới thiệu ý tưởng này cho dàn quản lý cấp cao của Công ty vào năm 2006. Và hiện tại, luôn có một phòng thiền ở mỗi tòa nhà của Công ty tại trụ sở Minneapolis. Martuaro cho biết hầu hết các lãnh đạo bà có cơ hội tiếp xúc đều cảm thấy bị ngộp thở bởi giờ làm việc kéo dài và sự tiếp xúc gần như liên tục. Đối với những người này, dường như không có thời gian để suy nghĩ xem điều gì là quan trọng hoặc cần phải lên kế hoạch trước.

Điều này là hoàn toàn đúng. Các nhà nghiên cứu đã khám phá ra rằng việc đảm trách nhiều trách nhiệm cùng lúc dẫn đến năng suất lao động thấp hơn. Các sinh viên và nhân viên mà làm hết việc này đến việc khác một cách không nghỉ thì có ít khả năng “lọc ra” các thông tin không liên quan hơn và do đó cũng mắc nhiều sai lầm hơn. Trong khi đó, ngày càng có nhiều nhân viên nhận thấy không thể nghỉ giải lao giữa giờ.

Theo một khảo sát gần đây, hơn phân nửa người lớn đi làm ở Mỹ kiểm tra tin nhắn công việc vào các ngày cuối tuần và cứ 4 trong số 10 người làm điều này trong khi đi nghỉ mát. Thật khó để tách rời khỏi công việc khi ông chủ hoặc nhân viên của bạn hoàn toàn có thể liên hệ với bạn chỉ cần qua một chiếc điện thoại thông minh. “Công nghệ đã đi vượt xa khỏi những gì mà chúng ta có thể kiểm soát được”, Marturano nói.

Một điều nghe ra có vẻ khá nghịch lý là Thung lũng Silicon lại trở thành “điểm nóng” của các lớp và hội nghị về thiền. Wisdom 2.0, một cuộc họp mặt thiền hằng năm dành cho các nhà lãnh đạo trong ngành công nghệ, đã bắt đầu vào năm 2009 với sự tham gia của 325 người và các nhà tổ chức dự kiến sẽ có hơn 2.000 người tham dự tại sự kiện năm nay, nơi khách tham dự sẽ được nghe Giáo sư Kabat-Zinn cùng với nhiều nhà điều hành từ Twitter, Instagram và Facebook, nói chuyện. Trong khi đó, Google thì có một chương trình thiền “tại gia” gọi là Search Inside Yourself. Khóa học gồm 7 tuần này do một kỹ sư Google khởi xướng và được tổ chức 4 lần mỗi năm tại trụ sở của Công ty ở Mountain View, California. Thông qua khóa học này, hàng ngàn nhân viên Google đã học được các kỹ thuật tập trung trong đó có thiền, nhằm giúp họ có thể giải phóng tinh thần, để “dành chỗ” cho những sáng tạo và những suy nghĩ lớn.

Một cái hay là hiện có hàng trăm ứng dụng thiền trên iTunes, trong đó có ứng dụng gọi là Headspace do một công ty cùng tên cung cấp. Công ty Headspace là do Andy Puddicombe, từng là một nhà sư, đồng sáng lập tại Anh vào năm 2010. Ông đã mở một văn phòng ở Los Angeles vào năm 2013 sau khi thu hút được vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm. Headspace cung cấp nội dung miễn phí qua một ứng dụng và bán “thẻ thành viên” cho hàng loạt các trang web video.

Mặc dù thiền được xem là một cách cần thiết để đạt được chánh niệm, nhưng mục tiêu cuối cùng đơn giản chỉ là giúp người tập có sự tập trung cao nhất đối với điều mà mình đang làm, ngay cả lúc ăn, hay học, tập thể dục. Theo Giáo sư Kabat-Zinn, hãy nghĩ đến sự tập trung như một loại cơ bắp. Để tăng cường độ dẻo dai của cơ bắp, người ta phải tập luyện thường xuyên và trong trường hợp này là tập luyện bằng cách thiền.

Sau khi tham gia lớp thiền MBSR, Kate Pickert đã sống một cách khác hẳn. Cô bắt đầu mang đồng hồ, nhờ đó cô đã giảm phân nửa số lần nhìn vào iPhone và không bị cám dỗ kiểm tra email hay lướt web trên điện thoại. “Khi tôi ở nhà hàng và người bạn ăn tối cùng đứng dậy đi vệ sinh thì giờ tôi đã có thể cưỡng lại ý muốn lướt web hay vào Facebook trên điện thoại. Thay vào đó, tôi chỉ ngồi yên và nhìn mọi người xung quanh. Và khi tôi bước ra ngoài, tôi thấy mình có thể ngửi được mùi trong không khí và lắng nghe âm thanh xung quanh. Các âm thanh ấy vẫn luôn có ở đó nhưng giờ thì những ngày mà tôi trải qua đã trở nên ý nghĩa và thi vị hơn”, Kate nói.

(Theo Times)

Nguồn: Nhịp Cầu Đầu Tư